Khoảng 2 tháng nay, Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông "đau đầu" khi giá nhiên liệu tàu tăng vọt. Theo ước tính của doanh nghiệp này, giá nhiên liệu hiện nay tăng khoảng 26% so với giai đoạn trước.
Trong bối cảnh các tàu của công ty đa số là tàu già, tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn so với các tàu đóng mới nên giá nhiên liệu tăng kéo theo chi phí đầu vào tăng, khó càng thêm khó.
"Chi phí nhiên liệu thường chiếm trên 40% tổng doanh thu với những tàu mới, còn những tàu nhiều tuổi, thông số kém, chi phí có thể chiếm trên 50%", đại diện Biển Đông chia sẻ.
Hiện nay, hầu hết các tàu đều phải sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh rất thấp (VLSFO), thân thiện với môi trường theo quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO). Các doanh nghiệp nhận định, dầu này thường có mức giá cao hơn dầu FO thông thường khoảng 50-70 USD/tấn.
Dữ liệu từ Ship & Bunker, chi phí trung bình của dầu VLSFO tại 20 trung tâm tiếp nhiên liệu hàng đầu thế giới hiện nay khoảng 679 USD/tấn, có nơi trên 700 USD/tấn. Mức giá này đã cao hơn mức trước và sau cuộc chiến tranh Nga – Ukraine.
Theo các chuyên gia, thực tế, giá nhiên liệu tăng từ cuối năm 2020-2021, nhưng thời điểm đó, các chủ hàng container có mối lo nhiều hơn về giá cước vận chuyển tăng vọt chưa từng có trong lịch sử. Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng buộc các chủ hàng phải tham gia vào thị trường giao ngay đắt đỏ.
Thời điểm đó, phụ phí nhiên liệu tăng, nhưng chỉ là một phần nhỏ hơn nhiều trong tổng chi phí. Đặc biệt, khi cuộc chiến giữa Nga – Ukraine nổ ra, giá nhiên liệu cũng tăng cao nhưng giá cước vận chuyển cao nên yếu tố nhiên liệu không được nói đến nhiều.
Ông Bùi Nhật Truyền, Phó tổng giám đốc Công ty CP Hàng hải Đông Đô phân tích, một tàu có sức chứa khoảng 560 Teu khi hành trình từ Hải Phòng vào TP.HCM sẽ tiêu tốn khoảng 14-15 tấn dầu/ngày và cả hành trình sẽ khoảng 45-50 tấn dầu. Khi giá nhiên liệu tăng khoảng 10%, các tàu nhỏ có thể phải tăng thêm chi phí vài nghìn USD, còn tàu lớn có thể tăng tới hơn 10.000 USD.
"Trước đây, chi phí ngày tàu cao nên hãng tàu tìm cách chạy nhanh để quay vòng nhanh. Nhưng nay, chi phí ngày tàu thấp nên doanh nghiệp phải tính toán phương án tiết kiệm nhiên liệu để giảm chi phí", ông Truyền chia sẻ.
Thực tế, tiết kiệm nhiên liệu đang là phương án của hầu hết các doanh nghiệp trong bối cảnh giá nhiên liệu phi mã, còn cước vận tải giảm sâu như hiện nay.
Theo tính toán, nếu giảm vòng tua máy, một chuyến hành trình từ Hải Phòng - TP.HCM, doanh nghiệp có thể tiết kiệm được cả tấn dầu mỗi ngày, tương ứng hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, điều này không dễ với các tàu container bởi nếu giảm tốc độ máy, tàu chạy chậm, có thể ảnh hưởng tới hợp đồng và tăng ngày tàu.
Một số hãng tàu cũng tính toán tới phương án tăng phụ phí nhiên liệu. Hiện nay, nhiều hãng tàu lớn của thế giới đã đồng loạt công bố tăng phụ phí nhiên liệu (BAF) như các hãng CMA-CGM, Maersk Line, Evergreen, OOCL... Trên tuyến thương mại châu Á - Bờ Tây nước Mỹ, các hãng tàu đã tăng giá phụ phí nhiên liệu khoảng 6% so với quý III/2023.
Hãng nghiên cứu vận tải biển Xetena phân tích, mức trung bình của phụ phí nhiên liệu trong quý IV/2023 tương đương chiếm tới 37% giá hợp đồng hiện tại ở thị trường Bờ Tây nước Mỹ và chiếm 44% giá hợp đồng ở thị trường Bờ Đông nước Mỹ.
Ở thị trường trong nước, một doanh nghiệp vận tải biển tiết lộ từ ngày 1/10, các hãng tàu đã bắt tay tăng phụ phí nhiên liệu. Không tiết lộ về mức giá tăng, nhưng doanh nghiệp này khẳng định việc tăng phụ phí nhiên liệu phải được tính toán kỹ về mức tăng, thời điểm tăng và các hãng tàu phải cùng nhau tăng.
"Các hãng tàu phải nhìn nhau vì thị trường nội địa cạnh tranh gay gắt, lượng cung lớn hơn cầu. Việc tăng phụ phí chỉ để giảm lỗ, không giải quyết được bài toán thua lỗ của doanh nghiệp. Phụ phí cũng không thể tăng cao vì tăng phí nhiên liệu cao, khách hàng có thể sẽ tìm phương án vận chuyển khác", doanh nghiệp chia sẻ.
Khẳng định đây là bài toán muôn thuở của vận tải biển, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) Đặng Hồng Trường nhấn mạnh, thị trường vận tải biển có nhiều điểm đặc thù, khác biệt so với các loại hình vận chuyển khác. Giá nhiên liệu độc lập với giá cước vận chuyển. Giá nhiên liệu phụ thuộc thị trường quốc tế nhưng giá cước vận tải theo nhu cầu của thị trường ở từng thời điểm. Do đó, khi chi phí nhiên liệu tăng vẫn không thể tính vào giá cước vận chuyển.
Theo ông Trường, đối với vấn đề nhiên liệu, phương án luôn phải áp dụng là tìm cách tiết kiệm, đào tạo thuyền viên mẫn cán để khai thác tàu hiệu quả hoặc dùng nhiên liệu thay thế. Hiện nay, phương án dùng nhiên liệu thay thế như khí hóa lỏng, LNG... chỉ là phương án trong tương lai, chưa phù hợp với thời điểm hiện tại. "Với việc tăng phụ phí chỉ là giải pháp tạm thời, không mang tính căn cơ", ông Trường nói.
Theo lãnh đạo của Công ty CP Hàng hải Đông Đô, việc tăng phụ phí chỉ áp dụng được cho các hãng tàu container. Tuy nhiên, điều này chủ yếu liên quan tới hàng quốc tế.
Thị trường vận tải biển quốc tế của Việt Nam hiện nay phụ thuộc phần lớn vào các hãng tàu ngoại nên dù các hãng tàu ngoại tăng phụ phí, chủ hàng vẫn phải chấp nhận. Còn ở thị trường nội địa, mức giá chủ yếu theo thị trường và tùy từng chính sách khách hàng của từng doanh nghiệp. Mức tăng (nếu có) cũng chỉ vài trăm nghìn đồng/container.
Báo Giao thông