banner_tin_tuc_2
THÔNG TIN NGÀNH

VIMC hướng tới công nghệ xanh

Thứ 3, 03/10/2023, 14:49 GMT+7

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ là một trong những hướng đi của các doanh nghiệp hàng hải trong nỗ lực hướng tới cắt giảm khí nhà kính, phát triển theo hướng công nghệ xanh.

 

Cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm khí thải carbon

Ngày Hàng hải Thế giới năm 2023 đã lấy chủ đề “Marpol tuổi 50 – Sự cam kết không ngừng” để nêu bật Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu thuyền. Trong bối cảnh thế giới hướng tới phát triển các ngành công nghiệp xanh, ngành hàng hải cũng đối mặt với nhiệm vụ quan trọng về việc giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường.

Tiếp tục thực hiện xu hướng công nghệ xanh của ngành vận tải biển được coi là nhiệm vụ quan trọng của toàn thế giới.

Theo Cục Hàng hải VN, việc tiếp tục thực hiện xu hướng công nghệ xanh của ngành vận tải biển được coi là nhiệm vụ quan trọng của toàn thế giới.

Các tổ chức, doanh nghiệp phải tìm ra các giải pháp tăng cường kết nối các phương thức vận tải kết hợp dịch vụ hậu cần chất lượng cao, giảm hệ số phương tiện chạy không, cũng như giảm ùn tắc hàng hóa trong hoạt động vận tải biển và chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.

Đồng thời, thực hiện nghiên cứu và phát triển công nghệ để ứng dụng và chuyển giao sang các loại công nghệ xanh, ứng dụng năng lượng xanh, kết cấu hạ tầng xanh, giúp giảm phát thải khí nhà kính và cung ứng năng lượng xanh.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, giao thông thông minh trong quản lý, điều hành các lĩnh vực trong ngành hàng hải nhằm cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm khí thải carbon cũng góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu, hướng đến thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), cũng như Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon, khí metan trong lĩnh vực hàng hải.

Theo các chuyên gia, phát triển cảng xanh, vận tải biển xanh vừa là nhiệm vụ, vừa là thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp lĩnh vực hàng hải của Việt Nam. Điều này đòi hỏi thời gian, công sức và chi phí không nhỏ.

Hiệp hội Chủ tàu VN nhận định, việc chuyển đổi năng lượng xanh đang nổi lên là một vấn đề không hề dễ dàng có thể giải quyết đối với các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam và là bài toán kinh tế đắt đỏ, không thể chỉ phụ thuộc vào khả năng và nội lực của từng doanh nghiệp chủ tàu.

Tuy nhiên, “các doanh nghiệp vận tải biển muốn tồn tại để kinh doanh buộc phải thay đổi theo sự thay đổi của thế giới”, đại diện Hiệp hội Chủ tàu VN khẳng định.

Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu chuyển mình với những bước đi ban đầu, từ việc ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số để góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường.

Smart Gate đã chấm dứt cảnh xếp hàng chờ đợi làm thủ tục ở cổng cảng. Ảnh Đức Mạnh

Cảng Hải Phòng đang xây dựng một lộ trình số hóa cụ thể, từng bước ứng dụng các công nghệ hiện đại nhất vào hoạt động quản lý và khai thác, đặc biệt tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ và Bến container số 3,4 đang được Cảng Hải Phòng đầu tư xây dựng tại khu vực cảng nước sâu Lạch Huyện

Sau một thời gian thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm, Cảng Tân Vũ (chi nhánh trực thuộc Công ty CP Cảng Hải Phòng) đã hoàn thiện ứng dụng hệ thống Smart Gate. Theo đó, tất cả các thao tác giao nhận container qua cổng Cảng Tân Vũ đều được tự động hóa. Smart Gate là bước tiếp theo của phần mềm dịch vụ cảng điện tử ePort để thay đổi mạnh mẽ trong lộ trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Autogate là giải pháp chuyển đổi số đã góp phần đưa Cảng Đà Nẵng trở thành Cảng biển trực tuyến, thông minh và hiện đại nhất miền Trung

Tại miền Trung, Cảng Đà Nẵng cũng trong tiến trình hướng tới cảng thông minh. Hiện nay, cảng đã áp dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong hoạt động khai thác, sản xuất như cảng điện tử ePort (electronic Port), cổng container tự động AutoGate… Điều này không chỉ giúp cảng tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả kinh doanh sản xuất, còn xóa bỏ các thủ tục giấy tờ, tiết kiệm chi phí và nhiên liệu, bảo vệ môi trường.

Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là một trong những mục tiêu quan trọng.

Doanh nghiệp định hướng tập trung đầu tư về công nghệ để tạo nền tảng chung kết nối giữa các doanh nghiệp dịch vụ hàng hải và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thực hiện dịch vụ chuỗi, mở ra loại hình kinh doanh mới trên nền tảng số.

Cùng đó, chuyển đổi số thông qua ứng dụng CNTT một cách triệt để. Qua đó, có thể nắm được hành vi, kỳ vọng của khách hàng để hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ, cải tiến phương thức phân phối sản phẩm dịch vụ và chăm sóc khách hàng. Qua dữ liệu, thông tin được số hóa để nâng cao hiệu suất sử dụng tài sản, nguồn nhân lực, tăng năng suất, giám sát hiệu quả hơn quá trình sản xuất kinh doanh.

Trong lĩnh vực vận tải biển, VIMC cho biết sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ kỹ thuật số trong quản lý, sử dụng vật tư, phụ tùng, giảm thiểu tiêu hao nhiên liệu, tăng cường tính năng điều động tàu để nâng cao hiệu quả khai thác tàu.

Đối với lĩnh vực cảng biển, việc kết nối các cảng với khách hàng, chủ hàng, các cơ quan hữu quan và các doanh nghiệp thành viên của VIMC trên nền tảng CNTT nhằm đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng và nâng cao trải nghiệm về dịch vụ cho khách hàng.

Lĩnh vực dịch vụ hàng hải, doanh nghiệp cũng ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong hoạt động logistics để quản lý các hoạt động kết nối, khai thác kho, bãi, đội xe, kiểm soát chi phí, nhiên liệu… cập nhật thông tin thời gian thực tế cho khách hàng truy xuất vào bất cứ thời điểm nào.

Như lời của lãnh đạo VIMC, trong chiến lược phát triển, tinh thần của VIMC là các doanh nghiệp phải phát huy mọi tiềm năng của mỗi thành viên, hợp lực và phối hợp với các doanh nghiệp khác để đưa VIMC vươn lên vị thế dẫn đầu. Mọi hoạt động phải hướng tới những điều khách hàng cần, chứ không phải làm với những gì VIMC có. Đặc biệt, “lấy công nghệ làm nền tảng cho sự phát triển của Tổng công ty khi bước vào giai đoạn phát triển mới”.

Báo Giao thông